Điều tra, thu thập thông tin về kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn thị trấn Thanh Nhật
Sáng ngày 01/7/2024, thị trấn Thanh Nhật tổ chức ra quân thực hiện điều tra mẫu, tham gia cuộc điều tra mẫu có đồng chí Long Nông Nữ Minh - Giám sát viên phụ trách địa bàn thị trấn Thanh Nhật và đầy đủ 02 điều tra viên thị trấn Thanh Nhật. Thực hiện phỏng vấn điều tra mẫu tại hộ gia đình thuộc địa bàn xóm Nà Ến, thị trấn Thanh Nhật
Thực hiện phỏng vấn điều tra tại hộ gia đình thuộc địa bàn xóm Nà Ến, thị trấn Thanh Nhật
Đây là cuộc điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển KTXH cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Thực hiện công tác lãnh đạo chỉ đạo đối với cuộc điều tra này, UBND thị trấn Thanh Nhật đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2024 để triển khai thực hiện cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn thị trấn Thanh Nhật. Đối với thị trấn Thanh Nhật điều tra DTTS 2024 là điều tra chọn mẫu, thực hiện trên 05 địa bàn : Đông Mu, Nà Ến, Huyền Du; Đoỏng Hoan + Ngườm Khang; Đỏng Hủ + Lũng Đốn. Mỗi địa bàn chọn 40 hộ mẫu để điều tra, việc chọn mẫu do tổng cục thống kê Cao Bằng thực hiện trên cơ sở của Bảng kê đã được UBND thị trấn Thanh Nhật thực hiện lập trên capi trong Giai đoạn 1 (tháng 6 năm 2024). Quy mô mẫu được phân bổ đảm bảo mức độ đại diện đến cấp huyện về một số chỉ tiêu nhân khẩu học của các dân tộc nói chung và từng DTTS chủ yếu trong huyện nói riêng.
Kế hoạch đã chỉ rõ phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của điều tra viên, Tổ tưởng và trách nhiệm của Ban lãnh đạo xóm trên địa bàn.
Đối với Điều tra viên: Thực hiện thu thập thông tin và hoàn thiện phiếu điện tử, hàng ngày sau khi hoàn thành phỏng vấn các hộ điều tra phải gửi dữ liệu lên hệ thống để Tổ trưởng và GSV địa bàn kiểm tra.
Tiến hành thu thập thông tin tại thực địa ngay từ những ngày đầu của thời kỳ thu thập thông tin. Tổ trưởng, giám sát viên các cấp tham dự phỏng vấn, nhận xét, rút kinh nghiệm theo nhóm điều tra viên, để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh sai sót (nếu có).
Đối với Tổ trưởng:.Quản lý, điều hành, giám sát ĐTV tại các ĐBĐT được giao phụ trách như:
- Nhắc nhở ĐTV thực hiện đúng phương pháp thu thập thông tin là phỏng vấn trực tiếp hộ dân cư; tuân thủ đúng những quy định về nghiệp vụ và quy trình phỏng vấn, không thu thập thừa hay bỏ sót thông tin các câu hỏi trên phiếu điều tra trong quá trình điều tra; đảm bảo tiến độ điều tra theo đúng quy định. Tổ trưởng cần tập trung giúp các ĐTV năng lực yếu, gặp khó khăn trong quá trình phỏng vấn ghi phiếu.
Giám sát chặt chẽ công việc của ĐTV thông qua quan sát phỏng vấn, kiểm tra, phỏng vấn lại một số hộ (khi cần thiết). Đặc biệt, Tổ trưởng cần giám sát việc ĐTV có đến gặp hộ để phỏng vấn trực tiếp hay không. Trong trường hợp phát hiện ĐTV không đến hộ hoặc đến hộ phỏng vấn qua loa, Tổ trưởng yêu cầu ĐTV phải đến hộ để phỏng vấn lại.
Phối hợp với ĐTV giải quyết kịp thời các công việc phát sinh tại địa bàn như: hộ từ chối trả lời phỏng vấn; hộ đi vắng trong quá trình điều tra; mất hoặc hư hỏng tài liệu, phương tiện điều tra, thiên tai, thảm họa hoặc điều kiện bất thường để không làm ảnh hưởng đến công tác điều tra.
Tổ trưởng nhắc ĐTV thực hiện đồng bộ (gửi) dữ liệu điều tra về máy chủ thường xuyên trong quá trình điều tra ít nhất 01 lần/ngày vào cuối mỗi ngày.
Đối với Ban lãnh đạo xóm, các khu dân cư: Triển khai, tuyên truyền phổ biến kế hoạch này đến khu dân cư thuộc địa bàn quản lý để tuyên truyền, giải thích mục đích, ý nghĩa, kế hoạch tiến hành cuộc điều tra thông qua nhóm zalo, tuyên truyền trong cuộc họp thôn, bản tin….của thôn/xóm/bản nhằm thông báo đến các hộ dân cư về cuộc điều tra để hộ dân cư, cá nhân hiểu về mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra và nhận thức được trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời khi điều tra viên đến hộ thu thập thông tin về cuộc điều tra.
Kết quả của cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KTXH của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương và các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2025 và định hướng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 cũng như các giải pháp phát triển KTXH, làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.